Mất khả năng diễn đạt cảm xúc (Alexithymia)

Mất khả năng diễn đạt cảm xúc, hay còn gọi là Alexithymia, là một hiện tượng tâm lý khiến một người gặp khó khăn trong việc cảm nhận, xác định, hiểu và diễn đạt cảm xúc của chính mình.

Alexithymia tồn tại trên một thước đo— ai cũng có mức độ nào đó của hiện tượng tâm lý này, có thể thấp, trung bình hoặc cao. Khoảng 10% dân số có mức Alexithymia đủ cao để gây ra các vấn đề trong cuộc sống.

Những người có mức Alexithymia cao vẫn có cảm xúc, chỉ là họ có xu hướng trải nghiệm chúng một cách không rõ ràng — giống như việc biết mình đang cảm thấy tồi tệ, nhưng không chắc đó là nỗi buồn, sự tức giận hay lo sợ.

6 dấu hiệu của Alexithymia

Bạn có thấy dễ giao tiếp bằng sự thấu hiểu lẫn nhau hơn là bằng lời nói không?

Bạn có bị “cứng họng”, không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt, khi đang buồn hay tức giận không?

Bạn cảm thấy gần như không thể nói với ai đó về cảm xúc của mình?

Bạn có hay tránh né xung đột?

Bạn cảm thấy khó khăn khi phải nói với ai đó rằng bạn đang giận họ, hoặc thậm chí là bạn yêu họ?

Bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu trước những cảm xúc mãnh liệt, dù đó là cảm xúc của người khác?

Tại sao khả năng này lại quan trọng

Cảm xúc rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, và khả năng điều tiết cảm xúc là yếu tố thiết yếu để có một đời sống tinh thần lành mạnh. Những người có mức Alexithymia cao thường có thông tin không chính xác về cảm xúc của bản thân, nên họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý cảm xúc — từ đó gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu.

Cảm xúc cũng đóng vai trò rất lớn trong các mối quan hệ. Nếu ta không hiểu rõ cảm xúc của mình, thì cũng khó mà hiểu được cảm xúc của người khác. Và nếu ta không thể diễn đạt cảm xúc, thì việc xây dựng kết nối tình cảm thân mật — yếu tố cốt lõi trong các mối quan hệ gần gũi — sẽ trở nên khó khăn. Đôi khi, bạn đời có thể nghĩ rằng ta “không quan tâm” hoặc “không hiểu gì cả”.

May mắn là mức độ Alexithymia không phải cố định — chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện khả năng nhận biết và diễn đạt cảm xúc của mình.

Làm thế nào để giảm mức độ Alexithymia?

  1. Nâng cao hiểu biết về cảm xúc.

Cảm xúc bao gồm nhiều thành phần:

  • Cách ta cảm nhận (ví dụ: cảm giác sợ hãi),
  • Phản ứng sinh lý của cơ thể (ví dụ: tim đập nhanh),
  • Hành vi bên ngoài (ví dụ: nét mặt sợ hãi, có xu hướng muốn chạy trốn).

Vì thế, khi cố gắng hiểu xem mình đang cảm thấy gì, hãy đóng vai một “thám tử” cảm xúc — sử dụng những dấu hiệu này làm manh mối để xác định cảm xúc bạn đang trải qua: liệu đó là sợ hãi, buồn bã, tức giận, hạnh phúc, ghê tởm, ngạc nhiên,…

  1. Ngừng né tránh cảm xúc.

Những người có mức alexithymia cao thường đã học cách né tránh và kìm nén cảm xúc từ thời thơ ấu.

Đôi khi, việc phân tán sự chú ý khỏi cảm xúc là cần thiết để tránh bị quá tải, nhưng nếu ta luôn luôn tránh né, điều đó sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Vấn đề nằm ở chỗ cần tìm ra sự cân bằng phù hợp.

Để nâng cao nhận thức về cảm xúc và tìm được sự cân bằng đó, ta có thể tìm một người an toàn để luyện tập chia sẻ cảm xúc, hoặc nếu không có ai, bạn cũng có thể luyện tập bằng cách viết nhật ký, ghi lại suy nghĩ và cảm nhận của mình.

Việc luyện tập suy nghĩ và chú ý đến cảm xúc sẽ giúp ta rèn luyện “cơ bắp cảm xúc” — để có thể nhìn rõ hơn những gì mình đang cảm nhận, và từ đó, tận dụng được vô vàn lợi ích mà sự nhận diện cảm xúc mang lại.

Tài liệu tham khảo

James Gross, (2024), How to See Your Feelings More Clearly

Jonice Webb, (2024), 6 Signs of Alexithymia, and What to Do About Them

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0913336123
Liên hệ