ĐÂU LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ VƯỢT QUA TRÌ HOÃN?

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao mình biết rõ việc cần làm, nhưng cứ trì hoãn để rồi mãi vẫn không thể bắt tay vào đúng hạn? Trì hoãn không phải vì bạn lười – nó là một cơ chế tự vệ của não bộ. Vậy làm thế nào để vượt qua trì hoãn và làm chủ cuộc sống? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Chúng tôi từng làm việc với anh Minh, là giám đốc sáng tạo một công ty về thời trang. Anh ấy đã trải qua “hội chứng trì hoãn” cách rất đặc biệt.

Mọi chuyện bắt đầu khi công ty anh Minh giành được dự án thiết kế cho sự kiện lớn trong năm, cơ hội mà họ đã chờ đợi suốt nhiều tháng trời. Yêu cầu sáng tạo cao, thời hạn gấp rút nhưng cũng đầy cơ hội để anh và đội ngũ tỏa sáng. Anh  cùng đội ngũ làm việc không kể ngày đêm. Phòng họp lúc nào cũng sáng đèn. Nhưng anh lại tập trung vào những hạng mục không trọng yếu. Những bản phác thảo quan trọng nhất vẫn đang nằm im lìm trên bàn làm việc.

Thời gian trôi nhanh như cát qua kẽ tay. Đến sát ngày công bố mẫu thiết kế, cả đội mới phát hiện ra núi công việc khổng lồ vẫn còn đó sau vài lần trì hoãn. Một cơn bão hoảng loạn ập đến. Minh ngồi bất động giữa những bản vẽ ngổn ngang, lòng bàn tay siết chặt. Đã không có phép màu nào xuất hiện. Dự án thất bại, giấc mơ của cả đội tan vỡ.

Sau thất bại, Minh cố gắng áp dụng kỷ luật thép để cải thiện tình hình. Nhưng dường như tất cả chỉ là lớp vỏ ngoài. Mọi thứ cải thiện một chút, rồi lại trượt dài về quỹ đạo cũ. Có điều gì đó sâu thẳm hơn đã dẫn anh vào vòng xoáy này?

Trong hành trình khám phá bản thân cùng Tâm Trí Thành, Minh đối diện với những góc tối mà anh đã chôn vùi bấy lâu: Mâu thuẫn âm ỉ với đồng nghiệp, những lời đồn đại tưởng chừng vô hại lại là những mũi kim âm thầm găm vào lòng tự trọng của anh.

Hậu quả của trì hoãn – Kẻ giấu mặt “đánh cắp” ước mơ 

Ngoài câu chuyện trên, trì hoãn còn là “cánh cửa” dẫn lối đến vô số hệ lụy không mong muốn:

  • Trì hoãn sẽ khiến bạn nhởn nhơ lúc đầu và chạy nước rút sát thời hạn. Làm việc trong áp lực thời gian là lúc con người ta dễ mắc sai lầm, thậm chí đổ bể cả dự án lớn, phá hủy ước mơ của bạn từng chút một.
  • Thời gian không chờ đợi ai và những cơ hội quý giá trong cuộc sống cũng vậy. Chúng sẽ vụt qua nhanh chóng nếu bạn cứ chần chừ mãi mà không dám hành động.
  • Cảm giác thất vọng về bản thân, căng thẳng vì công việc dồn đống, hay áp lực khi đối mặt với những hậu quả do trì hoãn… tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Trì hoãn kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm nếu không được giải quyết đúng cách.
  • Mỗi lần tự nói với chính mình rằng “lại trễ việc rồi”, não bộ lại ghi lại tất cả ý muốn, cảm xúc chán nản đó vào tâm trí. Dần dần, những điều nhỏ nhặt ấy tích tụ lại như một tảng đá khổng lồ chặn ngang đường giữa thực tế và ước mơ.
  • Trong cuốn sách về sự trì hoãn của tác giả Fuschia M.Sirois với tựa đề “Procrastination: What It Is, Why It’s a Problem, and What You Can Do About It (APA LifeTools Series)” – Tạm dịch “Trì hoãn là gì, tại sao đó lại là vấn đề? Có thể làm gì để khắc phục?” đã chỉ ra rằng việc trì hoãn cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và rộng khắp đối với sức khỏe và hạnh phúc.

Dấu hiệu nhận biết trì hoãn.

Bạn có thể nhận ra bản thân hoặc một người khác đang trì hoãn qua những dấu hiệu rất dễ nhận biết trong hành vi và cảm xúc:

  • Lên kế hoạch chi tiết, viết danh sách việc cần làm theo tuần, thậm chí theo từng giờ. Nhưng rồi… tất cả chỉ là kế hoạch trên giấy. Bạn chẳng bắt tay vào làm, hoặc có bắt đầu nhưng không có kết thúc.
  • Luôn đưa ra được những lý do tương tự như “Chưa đủ điều kiện, chưa đủ thời gian, chưa đến lúc.” Bạn chờ đợi một ngày nào đó có “hứng thú” hơn hoặc khi mọi thứ hoàn hảo hơn. Nhưng thực tế thì thời điểm đó mãi chưa xuất hiện.
  • Bạn chọn làm việc mình thích, việc dễ dàng, thay vì dũng cảm đối mặt với những nhiệm vụ thực sự cần làm. Để mặc thời gian đẩy đưa theo sở thích nhất thời.
  • Khi nhận ra mình đã trì hoãn quá lâu, bạn lại cảm thấy hối hận và tự trách bản thân. Những suy tư day dứt ấy chẳng giúp được gì ngoài việc kéo bạn xuống sâu hơn trong vòng xoáy luẩn quẩn.

Nếu thấy mình đâu đó trong những dấu hiệu trên, đã đến lúc bạn cần đối diện và thay đổi!

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn? 

Trì hoãn không chỉ là một thói quen xấu, nó còn là phản ánh của những nút thắt trong tâm trí mà chúng ta cần tháo gỡ. Hãy cùng nhìn lại một vài nguyên nhân phổ biến để hiểu rõ bản thân hơn:

  • Thiếu động lực: Bạn không trả lời được tại sao mình phải làm công việc này. Khi không có lý do đủ lớn, làm sao có thể dồn hết tâm huyết để thực hiện? Thái độ làm cho có, thái độ miễn cưỡng tất nhiên sẽ dắt ta tới một lối thoát dễ dàng – “Để mai tính”.
  • Nỗi sợ vô hình: Không ít người trong các buổi trò chuyện của tôi thú nhận rằng, họ trì hoãn vì nỗi sợ thầm kín: sợ thất bại, sợ không đạt kỳ vọng, sợ bị phán xét, sợ mất kiểm soát,… Đó là cơ chế tự nhiên của bộ não cố gắng bảo vệ bạn khỏi những điều không mong muốn. Nhưng chính nỗi sợ ấy lại âm thầm đẩy bạn xa rời những cơ hội mà bạn xứng đáng có được.
  • Áp lực từ sự hoàn hảo: Bạn mong chờ một thời điểm “lý tưởng,” một điều kiện “hoàn hảo” để bắt đầu. Nhưng sự thật là, kỳ vọng quá cao không chỉ làm bạn áp lực, mà còn khiến công việc trước mắt bỗng trở nên quá sức.
  • Khả năng tổ chức kém: Khi không có một kế hoạch rõ ràng, không biết nên bắt đầu từ đâu, công việc dễ trở thành một mớ hỗn độn. Trong sự bối rối ấy, bạn trì hoãn không phải vì lười, mà vì chưa tìm ra cách để tiến lên.
  • Tự ti và nghi ngờ bản thân: Nghi ngờ năng lực bản thân là một rào cản lớn. “Liệu mình có đủ giỏi không? Liệu mình có làm được không?” – những câu hỏi ấy lặp lại trong đầu, dần dập tắt ý chí hành động.
  • Tình trạng cảm xúc không ổn định: Cảm giác buồn chán, mệt mỏi, hoặc kiệt sức đã từng “rút cạn” năng lượng và động lực của bạn. Những lúc cảm xúc đi xuống, bạn chẳng muốn làm bất cứ việc gì.

Nếu bạn đang đối mặt với một trong số những điều này thì bạn không cô đơn. Chỉ cần bạn thực sự mong muốn dũng cảm đối diện, từng bước tháo gỡ những nút thắt, muôn ngàn giải pháp đang mở ra cho bạn.

 

Làm thế nào để loại bỏ thói quen trì hoãn?

Có hai cách tiếp cận để xử lý trì hoãn: một là xử lý ngay các biểu hiện bên ngoài bằng sự quyết tâm và kỷ luật, hai là đi sâu vào gốc rễ vấn đề, từ đó thay đổi tư duy và hành vi một cách tự nhiên hơn.

Xử lý bề mặt: Hành động bất chấp cảm xúc

Đây là cách giải quyết trực diện, tập trung vào những biểu hiện của sự trì hoãn. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải hành động ngay cả khi cảm xúc không ủng hộ, vượt qua những lo âu, sợ hãi và sự chần chừ. Hãy thử năm bước nhỏ sau:

  • Tắt thông báo điện thoại, ngồi vào nơi bạn dễ tập trung nhất.
  • Viết xuống càng nhiều càng tốt những lý do bạn muốn hoàn thành việc này.
  • Viết ra nhiệm vụ nhỏ nhất bạn có thể làm ngay.
  • Đặt đồng hồ đếm ngược 15 phút – làm trong thời gian đó thôi.
  • Tự thưởng mình khi hoàn thành một bước.

Tìm hiểu gốc rễ: Thay đổi từ bên trong

Muốn xử lý triệt để sự trì hoãn, bạn cần đào sâu vào những nguyên nhân gốc rễ với nhiều cấp độ khác nhau.

Tự đặt câu hỏi để tìm nguyên nhân sâu xa

“Vì sao tôi ngại bắt đầu?” “Nỗi sợ nào đang kéo tôi lại? Vì sao?…”

Có những nguyên nhân bạn có thể tự nhận ra và khắc phục ngay, như thiếu kỹ năng, sự tổ chức kém, hay cảm giác chán nản. Nhưng cũng có trường hợp sâu sắc hơn, chẳng hạn như nỗi sợ thất bại, sự tự ti, hoặc thậm chí là những rào cản tâm lý tinh vi.

Nếu bạn đã tìm được một lý do nhưng vẫn không thể khắc phục, có khả năng đó chưa phải là nguyên nhân gốc. Tâm lý học, coaching hay mentoring là những công cụ tuyệt vời để bạn hiểu rõ hơn về bản thân. Một chuyên gia có thể giúp bạn nhận ra rào cản vô hình mà chính bạn không thể tự nhìn thấy.

Bạn có thể chọn giải pháp tức thời để vượt qua trì hoãn bằng kỷ luật và ý chí, hoặc chọn hành trình dài hơi để hiểu mình và thay đổi từ bên trong. Dù chọn cách nào, điều quan trọng là hãy kiên nhẫn với chính mình. Trì hoãn không phải kẻ thù, nó là tín hiệu để bạn lắng nghe, hiểu rõ hơn về bản thân và học cách làm chủ cuộc đời mình.